14 thủ đoạn lừa đảo qua mạng

14 thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như: mạng viễn thông, mạng internet, các trang mạng xã hội,… Điển hình như lừa đảo môi giới việc làm, đưa người đi xuất khẩu lao động, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử, giả danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo chiếm đoạt tài sản… những thủ đoạn trên tuy không mới nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy.
Dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này nhưng nhiều người vẫn bị “sa” bẫy của các đối tượng lừa đảo. Dưới đây là:

1-thu-doan-lua-dao-qua mang-nguoi-dan-can-canh-giac-1
14 thủ đoạn lừa đảo qua mạng người dân cần cảnh giác. (Hình minh họa)

14 thủ đoạn lừa đảo qua mạng người dân cần đề cao cảnh giác

Giả danh cán bộ của Cục CSGT thông báo bị phạt nguội

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an gọi điện thoại đến (hoặc sử dụng robocall – hệ thống gọi tự động) và thông báo cho các bị hại đã bị “phạt nguội”, yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân và làm theo các bước hướng dẫn để đóng phạt.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Các đơn vị CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm TTATGT, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. (Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.)
  • Trường hợp phát hiện các đối tượng nghi vấn lừa đảo với thủ đoạn tương tự, đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.

Giả mạo cơ quan Công an đánh cắp thông tin cá nhân

Các đối tượng giả mạo cơ quan Cảnh sát điều tra gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án ma túy, giết người… đang được điều tra, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như tên tuổi, số CCCD, địa chỉ nhà. Lập tức chúng dùng những thông tin vừa khai thác được của nạn nhân đánh máy làm giả giấy mời, giấy triệu tập, quyết định bắt, quyết định tạm giam, quyết định khởi tố… có đóng mộc giả Cơ quan công an rồi gửi qua zalo, facebook để đe dạo nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền cho bọn chúng lo lót chạy án…

Biện pháp phòng ngừa:

  • Cơ quan cảnh sát điều tra không có việc gửi giấy triệu tập, quyết định bắt, quyết định tạm giam qua tin nhắn hoặc gọi điện thông báo.
  • Khi gặp những trường hợp trên, người dân tuyệt đối phải tỉnh táo, giữ bình tĩnh, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo những gì bọn chúng yêu cầu và thông báo ngay đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.

Đánh cấp thông tin ngân hàng bằng cách gửi link

Lừa đảo giả danh Tổng đài của các thương hiệu Ngân hàng nhắn tin thông báo “tài khoản khách hàng đã bị khóa” và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo (đối tượng cung cấp) để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng cũng mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo ngân hàng, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.
  • Trang web chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền để giúp người sử dụng nhận diện thương hiệu chuẩn xác hơn.

1-thu-doan-lua-dao-qua mang-nguoi-dan-can-canh-giac

Hỗ trợ vay vốn, tiêu dùng online

Đối tượng mua nhiều sim điện thoại của nhiều nhà mạng, lập các tài khoản mạng xã hội liên kết với các sim điện thoại đã mua và tiếp tục lập nhiều mạng xã hội, ứng dụng vay tiền, điện thoại chạy quảng cáo dưới nhiều tài khoản tên như Hỗ trợ vay vốn, tiêu dùng online… Khi đồng ý vay tiền, đối tượng yêu cầu bị hại truy cập vào đường link tải ứng dụng và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn để nhận được tiền vay. Đồng thời yêu cầu, người vay phải chuyển số tiền để làm thủ tục và sẽ hoàn lại khi hoàn tất thủ tục. Ngay sau khi nhận được số tiền trên, bị hại không thể liên lạc với đối tượng này nữa.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Tuyệt đối lưu ý không đặt lòng tin với các loại hình quảng cáo cho vay nóng, bán hồ sơ vay vốn, thanh lý hồ sơ vay vốn, được quảng bá là nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, các ứng dụng hoặc qua bất cứ trung gian nào.
  • Không liên lạc với những lời mời chào khoản vay vốn từ các quảng cáo qua mạng hoặc qua tin nhắn, điện thoại vì đây hoàn toàn có thể là đối tượng lừa đảo. Người dân nên liên hệ trực tiếp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng qua các kênh thông tin chính thức.

Thông báo trúng thưởng

Giả danh Ngân hàng, Trung tâm mua sắm hoặc hàng trực tuyến qua các shop bán đồ online gọi điện, nhắn tin từ số điện thoại lạ hoặc thông qua gửi bưu điện thông báo Khách hàng đã trúng thưởng lớn, sau đó gửi đường dẫn tới các website giả mạo, mục đích lừa và yêu cầu Khách hàng hoàn tất thủ tục nhận thưởng bằng đăng nhập vào đường link, cung cấp các thông tin bảo mật của tài khoản bao gồm: số CMND, số điện thoại, địa chỉ email, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, SmartOTP, số thẻ…

Biện pháp phòng ngừa:

  • Người dân mua hàng qua các sàn thương mại điện tử cần nâng cao cảnh giác; kiểm tra chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp trên website chính thức, liên hệ với đơn vị tổ chức trao thưởng để xác thực thông tin. Người dân nên thận trọng với những lời mời mua hàng, thông báo qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác.
  •  Tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi tin nhắn hay các cuộc điện thoại thông báo trúng thưởng được gửi tới điện thoại của Khách hàng.

Hack facebook, zalo nhắn tin vay mượn tiền

Các đối tượng thực hiện hành vi tấn công mạng, chiếm đoạt quyền sử dụng và truy cập bất hợp pháp vào các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook) của người khác, sau đó liên lạc, nhắn tin với những người có tên trong danh sách bạn bè của họ để vay, mượn tiền và chiếm đoạt.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Không tiến hành giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của người khác thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) hoặc theo yêu cầu của người chưa rõ nhân thân lại lịch.
  • Đối với các chủ tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook) là người thân, người quen, trước khi tiến hành giao dịch chuyển tiền cần xác nhận lại yêu cầu chuyển tiền bằng cách gọi điện thoại hoặc gặp mặt nói chuyện trực tiếp.

Làm quen trên mạng xã hội để gửi tặng quà và yêu cầu nộp phí

Các đối tượng người nước ngoài kết bạn với bị hại (chủ yếu là bị hại nữ) qua mạng xã hội (Zalo, Facebook), nhắn tin tâm sự, giả vờ yêu đương. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng thông báo muốn gửi tiền, quà, tài sản cho bị hại. Sau đó, đối tượng giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, cán bộ thuế.. yêu cầu bị hại phải nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau (như phí vận chuyển, thuế, tiền phạt…) vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định để chiếm đoạt.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Để tránh sập “bẫy tình” qua mạng, người dân không nên làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội.
  • Khi người lạ muốn tặng quà hoặc chuyển tiền mặt cho bạn. Sau đó, có người liên hệ và yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, đề cập đến việc “đóng khoản phí nhỏ”, dù với mục đích gì, hãy từ chối ngay vì đó là thủ thủ đoạn lừa đảo mà không cần suy nghĩ.

Kêu gọi từ thiện bằng cách dùng hình ảnh trái phép của người khác

Thủ đoạn lừa đảo với vỏ bọc kêu gọi từ thiện này thường sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép của người khác để đưa lên trang fanpage do chính các nghi phạm lập ra và kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ tiền. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ các nhà hảo tâm, nhóm nghi phạm lại không chuyển tiền cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà dùng để tiêu xài cá nhân.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Người dân nên lựa chọn những chương trình, những nạn nhân, những hoàn cảnh khó khăn có thông tin và địa chỉ rõ ràng. Đồng thời nên phối hợp với cơ quan chức năng khi làm từ thiện để họ ghi nhận việc làm đó thực sự là vì cộng đồng và lòng tốt không bị trao nhầm chỗ.
  • Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng

Các đối tượng lừa đảo cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề.

Tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử 

Tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của người dân, các đối tượng lừa đảo đã lập các trang Facebook có tên và hình ảnh giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử nổi tiếng như: “Thương mại điện tử TokyoLive,” “Tuyển dụng cộng tác viên Shopee” và chạy quảng cáo.

Tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra

Các đối tượng sử dụng các ứng dụng trên mạng Internet, mạng viễn thông, sử dụng các sim điện thoại không đăng ký chính chủ, gọi điện cho bị hại giả danh nhân viên bưu điện, ngân hàng hoặc giả danh cán bộ tiến hành tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án), thông báo bị hại có liên quan đến các vụ án hình sự, đe dọa, gây sức ép yêu cầu bị hại cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định để chiếm đoạt.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho người khác, nhất là những người chưa rõ nhân thân lai lịch.
  • Chỉ làm việc với cơ quan chức năng, cán bộ tiến hành tố tụng tại các trụ sở cơ quan làm việc, theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Khi có vụ việc, vụ án nào đó mà liên quan đến một người dân, cơ quan điều tra sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập được kí tên, đóng dấu, ghi ngày tháng, địa chỉ trụ sở cơ quan rất rõ ràng. Những giấy mời, giấy triệu tập này đều được gửi qua Công an địa phương để chuyển đến cho người dân.
  • Tất cả các hành vi điện thoại cho người dân nói rằng có lệnh bắt, tạm giam, tạm giữ đều là phương thức của bọn lừa đảo.

Tạo các tài khoản mạng xã hội ảo như: zalo, facebook, … để đăng bán sản phẩm

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, order hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc trước, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng và xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Người mua bán hàng online cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác.
  • Hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Đối với các tài khoản công khai, dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo

Thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch thương mại ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản, tiền ảo), để người dân tin tưởng tham gia đầu tư, các đối tượng giới thiệu đây là một hình thức đầu tư mới của thế giới, là các sàn ngoại hối của nước ngoài, uy tín, an toàn và hứa hẹn lợi nhuận rất cao… khiến nhiều người dân lầm tưởng về hoạt động hợp pháp và đồng ý chuyển tiền tham gia kinh doanh. Sau một thời gian giao dịch, tài khoản của nhiều khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền trong tài khoản.

Biện pháp phòng ngừa:

  • Các hành vi quảng cáo, mời chào tham gia các sàn giao dịch này giống với thủ đoạn lừa đảo kinh doanh đa cấp, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần thận trọng khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên mạng để tránh bị mất tiền.
  • Những cá nhân tham gia đầu tư vào sàn giao dịch ảo, kinh doanh đa cấp là đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid – 19 để trục lợi

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid – 19 hiện nay xuất hiện trường hợp gọi điện từ số 10881119 tự xưng là Ban Chỉ đạo chống dịch để gọi điện, hỏi thăm tình hình dịch bệnh, sau đó đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản tiết kiệm, tài khoản ngân hàng,… từ đó chiếm đoạt tiền tài khoản. Gửi email yêu cầu chia sẻ thông tin cá nhân hoặc bấm vào đường dẫn chứa phần mềm độc hại, tấn công những người theo dõi tình hình, số liệu về dịch bệnh COVID-19 qua ứng dụng Bản đồ (Maps). Ngoài ra, tội phạm có thể mạo nhận là bác sĩ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Biện pháp phòng ngừa:

  • Đối với tổng đài y tế, số điện thoại là 18001119 chứ không phải đầu số 10881119.
  • Kiểm tra địa chỉ của các trang web. Cẩn trọng với các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội và kiểm tra các thiết lập quyền riêng tư.
  • Hãy liên lạc với công ty hoặc tổ chức được nhắc đến, bằng email hoặc số điện thoại có thể xác minh là đúng.

👉👉👉 Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến các hành vi lừa đảo trên, người bị hại cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất. Riêng phát hiện hành vi lừa đảo giao dịch bằng Internet banking, người bị hại thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc Tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

Xem thêm >>> Chiêu lừa đảo mới – Trả 100 nghìn để xin chụp CMND/CCCD

 

——–

Tổng hợp

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on telegram
Share on pinterest
Share on skype

Bạn có thể quan tâm

Scroll to Top