Chia di sản thừa kế là một trong những vấn đề pháp lý bạn hay gặp thường ngày. Vậy việc chia sản thừa kế thực hiện như thế nào? Quy trình thực hiện ra sao? Thủ tục như thế nảo? Cần lưu ý những gì khi chia di sản thừa kế?..Mời bạn tham khảo thêm qua bài viết:

5 lưu ý khi chia di sản thừa kế
Di sản thừa kế là gì?
- Theo Hiến pháp 2013 và Bộ Luật dân sự 2015 thì di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó. Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của công dân được nhà nước bảo hộ.
- Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống.
5 lưu ý khi chia di sản thừa kế
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà di sản đó có thể được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật, trong đó, ưu tiên áp dụng chia di sản theo di chúc trước, nếu không có thì sẽ tiến hành chia theo luật định. Trước hết ta cần chú ý khi chia di sản thừa kế như sau:
Xác định di sản thừa kế
Để làm được bước này cần chú ý đến người chết là người độc thân hay đã kết hôn, nếu đã kết hôn thì cần xem tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung. Phần tài sản chung thì áp dụng nguyên tắc phân chia di sản thừa kế là tài sản của vợ chồng theo quy định tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (về nguyên tắc là được chia đôi nếu vợ chồng không có thoả thuận về chế độ tài sản).
Các nghĩa vụ người chết để lại: Thông thường thì có phần chi phí mai táng, chi phí này sẽ được trừ vào số di sản thừa kế của người chết.
Các khối tài sản khác của người chết có được: Có thể người chết nhận được một phần khi chia di sản thừa kế của người khác trong cùng một tình huống. Vì vậy cần chú ý để cộng thêm khoản này vào khối di sản.
Xác định người được hưởng di sản thừa kế
Xác định Hàng thừa kế
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật sẽ bao gồm những đối tượng thuộc hàng thừa kế theo thứ tự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất sẽ là vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản thừa kế
- Hàng thừa kế thứ hai sẽ là ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người để lại di sản; trong trường hợp người để lại di sản là ông bà nội hoặc ông bà ngoại thì sẽ là cháu ruột của người đó.
- Hàng thừa kế thứ ba sẽ là cụ nội, cụ ngoại của người để lại di sản; bác hoặc chú ruột, là cậu hoặc cô hoặc dì ruột của người để lại di sản; Nếu người chết là là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột thì đó là cháu ruột của người để lại di sản; là chắt ruột của người chết mà người đó chính là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó,
- Những đối tượng được nêu trong từng hàng thừa kế trên sẽ được hưởng di sản thừa kế chia theo pháp luật.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Xác định có di chúc hay không? Di chúc có hợp pháp hay không?
- Để làm được bước này cần xem người chết có để lại di chúc hay không? Nếu có thì phải xem di chúc đó có hợp pháp về mặt nội dung và hình thức quy định của pháp luật hay không? (Tham khảo Điều 630 Bộ luật Dân sư năm 2015). Xác định những người nhận thừa kế còn sống tại thời điểm mở thừa kế còn tồn tại hay không
- Sau khi xem xét nếu có di chúc hợp pháp thì chia di sản thừa kế theo di chúc, nếu không có di chúc thì chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tuỳ trường hợp cụ thể cần xem xét di chúc đã định đoạt hết toàn bộ tài sản hay chưa? Nếu có phần chưa được định đoạt hoặc không có hiệu lực thì phải tiếp tục chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Xác định Nghĩa vụ của người chết để lại
Nghĩa vụ của người chết để lại thường phát sinh từ việc vay, mượn, bồi thường thiệt hại… tiền phạt, tiền thuế của người đó trước khi chết và chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng, chi phí cho việc bảo quản di sản.
Lưu ý trường hợp: Người để lại di sản có con với người khác nhưng không chăm sóc nuôi dưỡng người con này; Thực tiễn xét xử thường người cha có trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền cho người mẹ tương đương với trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng của họ. Vì vậy cần trích ra khoản cần hoàn trả này khi chia di sản thừa kế.
Xác định Thời hiệu di sản thừa kế
Theo Điều 623 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:
“ 1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.”
Xác định Thời điểm mở di sản thừa kế
Theo Điều 611 Bộ Luật dân sự 2015 Thời điểm mở thừa kế được quy định cụ thể như sau:
“ Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Lưu ý: Việc xác định thời điểm cá nhân chết thường căn cứ vào giấy chứng tử, tuy nhiên nhiều trường hợp thực tiễn xét xử còn căn cứ vào ngày trên bia mộ hay tập quán địa phương.
Xác định Hình thức phân chia di sản thừa kế
Chia di sản thừa kế theo di chúc
Đây là trường hợp mà trước khi chết, người để lại di sản đã có sự chuẩn bị và chỉ định rõ đối tượng sẽ hưởng phần di sản của mình thông qua việc lập di chúc. Theo đó, tại Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra quy định về việc chia di sản theo di chúc như sau:
- Trường hợp không ghi rõ tỷ lệ thực hưởng của từng đối tượng có trong di chúc: nếu xảy ra trường hợp di chúc chỉ nêu đối tượng được hưởng di sản mà lại không phân định rõ họ được hưởng với tỷ lệ bao nhiêu thì việc phân chia di sản sẽ được chia đều cho tất cả thành các phần bằng nhau.
- Đối với trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật: người thừa kế sẽ nhận hiện vật bao gồm cả hoa lợi, lợi tức từ hiện vật đó hoặc nếu như đến thời điểm phân chia tài sản mà phần giá trị của hiện vật đó bị sụt giảm đi chăng nữa thì người thừa kế đó phải chịu. Đồng thời, nếu có rủi ro xảy ra đối với hiện vật đó, chẳng hạn như bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có thể yêu cầu người gây ra thiệt hại đó bồi thường.
- Trường hợp việc phân chia di sản được xác định theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản hiện có tính tại thời điểm tiến hành phân chia di sản.
Như vậy, việc phân chia di sản theo di chúc sẽ được tiến hành theo đúng như những gì đã được ghi trong di chúc. Vì đó chính là ý chí của người để lại di chúc, hơn nữa di sản là của họ nên pháp luật sẽ tôn trọng và cho phép thực hiện theo đúng ý nguyện của cá nhân để lại di sản đó.
Chia di sản thừa kế theo pháp luật
Tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật, theo đó:
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Xem thêm >>>
Các trường hợp không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế
Các trường hợp thừa kế di sản khi không có di chúc
—————-
Ban truyền thông Luật Nguyễn