Chậm nộp khai thuế GTGT bị phạt bao nhiêu?

Chậm nộp khai thuế GTGT bị phạt bao nhiêu?

Việc nộp khai thuế GTGT, TNCN, TNDN là một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp dù mới thành lâp, chưa phát sinh gì thì cũng phải nộp khai thuế khi đến kỳ kê khai. Trong trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tờ khai sẽ chịu các mức phạt theo quy định.

Ở bài này, Luật Nguyễn giới thiệu đến bạn việc chậm nộp khai thuế GTGT thì bị phạt như thế nào? Mời bạn đọc cùng theo dõi.

cham-nop-khai-thue-gtgt-bi-phat-bao-nhieu
Chậm nộp khai thuế GTGT bị phạt bao nhiêu? (Hình minh họa)

Chậm nộp khai thuế GTGT bị phạt bao nhiêu?

Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT

Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hạn nộp tờ khai thuế như sau:

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:

  • Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
  • Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

  • Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
  • Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
  • Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

Như vậy, thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT trong trường hợp kê khai theo tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng sau; trong trường hợp kê khai theo quý thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo.

Chậm nộp khai thuế GTGT sẽ bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

(1) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

(4) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
  • b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
  • c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;\
  • d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

(5) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

(6) Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
  • b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

Tình tiết giảm nhẹ

Tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 9 Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

Những tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ:

  • 1. Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;
  • 2. Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính;
  • 3. Vi phạm hành chính trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
  • 4. Vi phạm hành chính do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;
  • 5. Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
  • 6. Vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;
  • 7. Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;
  • 8. Những tình tiết giảm nhẹ khác do Chính phủ quy định.

 

Xem thêm >>> Danh sách các tờ khai phải nộp cập nhật mới nhất

—————-

Ban truyền thông Luật Nguyễn

 

 

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on telegram
Share on pinterest
Share on skype

Bạn có thể quan tâm

Scroll to Top