Công việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty 2021 (Phần 1)

Công việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty 2021 (Phần 1)

Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiến hành một số thủ tục cần thiết để chính thức đi vào hoạt động. Sau đây, Luật Nguyễn xin gửi đến Quý doanh nghiệp một số công việc pháp lý cần làm sau khi thành lập công ty mới nhất.

Công việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty 2021 (Phần 1)

Căn cứ pháp lý     

nhung-viec-can-lam-ngay-khi-thanh-lap-cong-ty
Những việc cần làm ngay khi thành lập công ty

Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp mới thành lập trên cổng thông tin quốc gia

+ Sau khi hồ sơ hợp lệ và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty cần thực hiện thủ tục công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lên cổng thông tin đăng ký quốc gia. Nội dung công bố bao gồm các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành nghề kinh doanh của công ty;

Lưu ý: Thời hạn doanh nghiệp cần thực hiện đăng bố cáo trên cổng thông tin quốc gia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

*Mức phạt khi doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định:

+ Nếu doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp đúng hạn Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là: Buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Khắc dấu và Đăng ký Chữ ký số của doanh nghiệp

Khắc dấu tròn doanh nghiệp + Thông báo mẫu dấu công ty lên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp

+ Công ty tiến hành khắc dấu tròn tại cơ sở được phép khắc dấu và sau đó nộp thông báo sử dụng mẫu dấu tại cơ quan đăng ký kinh doanh để được đăng tải mẫu dấu lên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp.
*Theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 mới nhất về con dấu doanh nghiệp:

Điều 43. Dấu của doanh nghiệp

  1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
  2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
  3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

=>Trên con dấu có thể thể hiện hình thức tùy ý. Tuy nhiên để thuận tiện cho việc giao dịch với đối tác, ngân hàng thì cần thể hiện tối thiểu các nội dung như:

Tên công ty tiếng Việt,

Mã số thuế doanh nghiệp.

Mua token ( Chữ ký số) khai thuế qua mạng điện tử

Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử, dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Nó đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý.

Mỗi tài khoản sử dụng đều có một cặp khóa bao gồm:

  • Khóa Công khai dùng để thẩm định Chữ ký số, xác thực người dùng của Chữ ký số.
  • Khóa Bảo mật dùng để tạo Chữ ký số.

Hiện nay, các doanh nghiệp coi Chữ ký số như một công nghệ xác thực, đảm bảo an ninh, đảm bảo an toàn cho giao dịch qua internet, nó giải quyết toàn vẹn dữ liệu và là bằng chứng chống chối bỏ trách nhiệm trên nội dung đã ký, giúp doanh nghiệp yên tâm với giao dịch của mình. Việc áp dụng Chữ ký số đã giảm thiểu chi phí công văn giấy tờ theo lối truyền thống, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hành lang pháp lý, giao dịch qua mạng với Cơ quan Thuế, Hải quan, Ngân hàng điện tử,…

Mở tài khoản ngân hàng + Thông báo số TKNH cho cơ quan đăng ký kinh doanh

Từ ngày 01/05/2021 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực hướng dẫn Nghị định 01/2021/NĐ-CP về biểu mẫu đăng ký DN cụ thể:

  • Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong giấy đề nghị đăng ký DN. Tại phần thông tin đăng ký thuế không còn thông tin số tài khoản ngân hàng. Do vậy, “số tài khoản ngân hàng” không phải là “thông tin đăng ký thuế
  • Bỏ thông tin tài khoản ngân hàng trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN. Trước đây khi thông báo số tài khoản ngân hàng thì sử dụng mẫu thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN, tuy nhiên hiện nay biểu mẫu này không còn thông tin số tài khoản.

Hiện nay, không có quy định bắt buộc các Doanh nghiệp (DN) phải mở tài khoản Ngân hàng (quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN). Nhưng trên thực tế, các DN đều mở tài khoản ngân hàng, tài khoản ngân hàng có tác dụng như sau:

  • Là điều kiện để DN đăng ký nộp thuế điện tử;
  • Doanh nghiệp bắt buộc phải thanh toán bằng tài khoản ngân hàng đối với những giao dịch trên 20 triệu;
  • Giúp DN thuận tiện hơn trong hoạt động kinh doanh, nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao dịch, thanh toán…

Như vậy, theo quy định trên không bắt buộc về việc các DN thông báo số tài khoản ngân hàng cho Sở Kế hoạch – Đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi DN nhận được Giấy đăng ký kinh doanh và mở tài khoản ngân hàng phải tiến hành thực hiện điền thông tin trên Mẫu 08-MST để bổ sung thêm “Thông tin đăng ký mới” (đính kèm tại Thông tư 105/2020/TT-BTC) và thông báo lên cho Chi cục thuế đang quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

Kê khai lệ phí môn bài Nộp thuế môn bài qua mạng:

Căn cứ vào Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định miễn nộp lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:

  • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới);
  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  • Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

* Thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài:
– Nếu doanh nghiệp đăng ký thành lập mà lựa chọn ngày hoạt động trùng với ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài là ngày cuối cùng của tháng đó.

*Nếu không tuân thủ thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài thì doanh nghiệp sẽ chịu mức phạt hành chính theo thông tư 166/2013/ TT-BTC của bộ tài chính như sau:

TT Số ngày chậm nộp Mức phạt
1 1 đến 5 ngày Phạt cảnh cáo
2 5 đến 10 ngày 400.000 đến 1.000.000 đ
3 10 đến 20 ngày 800.000 đến 2.000.000 đ
4 20 ngày đến 30 ngày 1.200.000 đến 3.000.000 đ
5 30 ngày đến 40 ngày 1.600.000 đến 4.000000 đ
6 40 ngày đến 90 ngày 2.000.000 đến 5.000.000 đ

 * Nộp thuế môn bài qua chữ ký số điện tử (Sau khi nộp tờ khai môn bài)

+ Doanh nghiệp cần nộp đủ số tiền đóng thuế môn bài theo mức vốn điều lệ đã đăng ký vào tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp mình.

+ Bằng cách sử dụng Chữ ký số điện tử, doanh nghiệp sẽ nộp thuế môn bài qua mạng Nếu doanh nghiệp chưa có chữ ký số điện tử thì bắt buộc phải mua để thực hiện được bước đóng thuế môn bài qua mạng.

*Thời hạn nộp thuế môn bài:

  • + Trong năm đầu mới thành lập: Doanh nghiệp được miễn nộp lệ phí thuế môn bài
  • + Các năm tiếp theo: Doanh nghiệp phải nộp thuế môn bài trước ngày 30/01 hàng năm.

* Mức đóng thuế môn bài:

Doanh nghiệp có:

  • Vốn điều lệ dưới 10 tỷ: mức thuế môn bài là 2.000.000 đồng/ năm; Nếu doanh nghiệp được thành lập trước ngày 30/06 thì đóng 100% thuế môn bài = 2 triệu; Nếu doanh nghiệp được thành lập sau ngày 30/06 thì đóng 50% thuế môn bài = 1 triệu
  • Vốn điều lệ trên 10 tỷ. mức thuế môn bài là 3.000.000 đồng/ năm; Nếu doanh nghiệp được thành lập trước ngày 30/06 thì đóng 100% thuế môn bài = 3 triệu; Nếu doanh nghiệp được thành lập sau ngày 30/06 thì đóng 50% thuế môn bài = 1,5 triệu

* Mức phạt nếu chậm nộp tiền thuế môn bài theo thông tư 130 /2016 TT-BTC của bộ tài chính:

Số tiền phạt = số tiền thuế môn bài chậm nộp x 0.03% x Số ngày chậm nộp.

Ví dụ: Nếu doanh nghiệp có vốn điều lệ là 5 tỷ, chậm nộp tiền thuế môn bài 60 ngày thì số tiền phạt được tính như sau:

Số tiền phạt = 2.000.000 đ x 0.03% x 60 = 36.000 đ

Bổ nhiệm kế toán trưởng, người phụ trách kế toán:

Theo Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Điều 53 của Luật kế toán về kế toán trưởng, như sau:

  • Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
  • Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.

Như vậy, nếu doanh nghiệp không thuộc trong lĩnh vực nhà nước nêu trên hoặc không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ thì bắt buộc phải có kế toán trưởng. Trường hợp chưa bổ nhiệm được kế toán trưởng ngay thì phải bố trí người phụ trách kế toán (Nhưng cũng chỉ được tối đa là 12 tháng, sau đó phải bố trí người làm kế toán trưởng).

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là những doanh nghiệp như sau:

  • Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người;
  • Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng;
  • Tổng doanh thu: không quá 03 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là những doanh nghiệp như sau:

  • Số lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: bình quân năm không quá 10 người;
  • Tổng nguồn vốn: không quá 03 tỷ đồng;
  • Tổng doanh thu: không quá 10 tỷ đồng/năm.

Đăng ký thuế lần đầu:

Sau khi doanh nghiệp nhận được Giấy Đăng ký Kinh doanh, doanh nghiệp phải soạn thảo hồ sơ khai thuế ban đầu nộp cho Chi cục thuế quản lý trực tiếp tại nơi đặt trụ sở.

Thông thường, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải lập một bộ hồ sơ khai thuế lần đầu để gửi lên cơ quan thuế bao gồm giấy tờ sau:

  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Quyết định bổ nhiệm Giám đốc (Tổng giám đốc);
  • Quyết định bổ nhiệm Kế toán trưởng, người phụ trách kế toán;
  • Bản sao có chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật, của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán;
  • Công văn đăng ký hình thức kế toán, chế độ kế toán và sử dụng hóa đơn;
  • Văn bản đăng ký phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (nếu có tài sản cố định);
  • Giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

Treo biển hiệu tại công ty:

Nội dung bảng hiệu công ty gồm:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Mã số doanh nghiệp;
  • Địa chỉ công ty.
  • Số điện thoại hoặc địa chỉ email ( nếu có)

Theo Điểm c Khoản 2, Điểm e Khoản 3 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về các mức phạt liên quan đến tổ chức quản lý doanh nghiệp thì:

Việc không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Tương tự, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng có mức phạt như trên.

Thêm vào đó, Công ty vi phạm còn buộc phải gắn tên tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN theo quy định.

Lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông:

Doanh nghiệp phải lập sổ đăng ký thành viên đối với Công ty TNHH, sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty Cổ phần ngay sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và lưu trữ tại trụ sở chính Doanh nghiệp hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán đối với sổ đăng ký cổ đông.

Mời bạn xem tiếp phần 2 Những công việc cần thực hiện sau khi thành lập công ty

—————-

Ban truyền thông Luật Nguyễn

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on telegram
Share on pinterest
Share on skype

Bạn có thể quan tâm

Scroll to Top