Kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu

Kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu

Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, những trường hợp kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị tịch thu.

kinh-doanh-vang-khong-ro-nguon-goc-se-bi-tich-thu
Hình minh hoạ

Kinh doanh vàng không rõ nguồn gốc sẽ bị tịch thu

Chiều 16/5, tại họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM, đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã thông tin về các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM, tính đến ngày 14/5, đơn vị đã kịp thời phát hiện, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn.

Trong đó, Cục đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) để thử nghiệm xác định trọng lượng, hàm lượng vàng với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.

Hiện, các vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Kết quả đã xử phạt 21 vụ với số tiền là 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng cho biết, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng vàng theo đúng trình tự thủ tục theo quy định. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, sẽ ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.

Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

“Trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định”, đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM, nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, trước diễn biến giá vàng liên tục biến động, chênh lệch lớn với vàng thế giới, bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), cho rằng SJC, cũng như Ngân hàng Nhà nước không nhận được lợi ích gì từ biến động giá vàng và chênh lệch giá vàng thế giới.

Hơn 12 năm qua (kể từ năm 2012), SJC không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng như dập vàng miếng SJC đã dẫn đến việc cầu tăng nhiều hơn cung, dẫn đến áp lực cung – cầu thị trường. Về lượng vàng trúng thầu thành công, SJC bán ngay lập tức cho người dân.

“Với loại hình kinh doanh vàng, khi mua vào, phải bán ngay. Bởi nếu sau một đêm hoặc một ngày mới bán ra, giá sẽ chênh và doanh nghiệp sẽ bị lỗ”, bà Hằng nói. Theo bà Hằng, SJC vẫn sẽ tiếp tục tham gia các phiên đấu thầu tiếp theo.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết giá vàng biến động trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới.

Theo đó, sự xung đột địa chính trị quốc tế khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới gom mua vàng, đẩy giá vàng lên cao. Điều này khiến giá vàng trong nước bị tác động từ giá vàng thế giới.

“Vàng cũng được coi là một kênh đầu tư tài chính được ưa chuộng hơn một số loại hình đầu tư khác trong thời gian qua. Nhà đầu tư có xu hướng mua vàng, từ đó gây áp lực lên cung cầu, làm đẩy giá vàng lên cao”, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nói.

Trước biến động giá vàng tăng cao, ông Lệnh cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng, tác động tới nguồn cung và ổn định thị trường. Cơ quan quản lý tiền tệ tiếp tục nâng cao công tác quản lý, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các cơ sở kinh doanh vàng thực thi đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai minh bạch.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh kiểm tra việc xuất hóa đơn, chứng từ kế toán đúng theo quy định của Bộ Tài chính; triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo giao dịch công khai và minh bạch, ông Lệnh cho biết thêm.

Xem thêm >>> Các tin khác

————

Theo Quốc Hải/giaoducthoidai.vn

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on telegram
Share on pinterest
Share on skype

Bạn có thể quan tâm

Scroll to Top