Luật cư trú 2020 sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân được ghi trên căn cước công dân gắn chip.
Theo Luật cư trú 2006 thì sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý nhân khẩu trong các hộ gia đình có chức năng xác định nơi thường trú hợp pháp của công dân. Đây là công cụ và thủ tục hành chính giúp nhà nước quản lí việc di chuyển sinh sống của công dân Việt Nam.
Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Những người đăng ký tạm trú chỉ được cấp Sổ tạm trú thay vì Sổ hộ khẩu.
Giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu như thế nào?
Giá trị pháp lý của sổ hộ khẩu rất quan trọng để thực hiện các giao dịch dân sự. Chẳng hạn như:
- Thực hiện quyền chuyển nhượng, mua bán đất;
- Là một giấy tờ chứng nhận, văn bản pháp lí trong trường hợp nhận thừa kế;
- Đảm bảo thi hành án cho các trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất;
- đăng kí thường trú(tạm trú);
- chuyển tách hộ khẩu;
- cấp đổi sổ hộ khẩu;
- Xóa hay xác nhận đăng kí thường trú…
Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan giấy phép kinh doanh, đăng kí kết hôn, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử hay hồ sơ xin việc,… đều cần đến hộ khẩu làm giấy tờ chứng thực.
Nhưng kể từ 1/7/2021, khi luật cư trú 2020 có hiệu lực, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước gắn chip để thực hiện khoảng 30 thủ tục hành chính liên quan sổ hộ khẩu (Theo Bộ Công an) .
Luật cư trú 2020 sẽ thay phương pháp quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu giấy sang số định danh cá nhân được ghi trên căn cước công dân gắn chip. Cơ quan chức năng sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Như vậy, trường hợp người dân đến cơ quan công an thực hiện các thủ tục về cứ trú mà làm thay đổi thông tin hiện có trong sổ thì công an mới thu hồi sổ. Không phải tất cả người dân phải tự mang sổ cũ đi nộp từ 01/7/2021; sổ đã cấp nếu không có thay đổi gì thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2022.
Từ 1-7, cơ sở dữ liệu bao nhiêu ngành được liên thông với nhau?
Từ ngày 1-7, CSDLQGVDC sẽ sẵn sàng kết nối với tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi cơ sở dữ liệu chuyên ngành đó đủ điều kiện. Hiện tại đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh, thành phố
13 hành vi về cư trú bị nghiêm cấm từ 1/7
Cụ thể, từ 1/7 khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực, 13 hành vi về cư trú dưới đây sẽ bị cấm theo quy định của pháp luật:
- Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú;
- Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Đưa, môi giới, nhận hối lộ, trong việc đăng ký, quản lý cư trú;
- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đnăg ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật;
- Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật;
- Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú;
- Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú;
- Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú;
- Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó;
- Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó;
- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Xem thêm >>> Những điểm mới của Luật cư trú 2020
———–
Ban truyền thông Luật Nguyễn