Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là hoạt động cần thiết mà nhà thầu nước ngoài phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị thi công dự án.
Điều đáng nói là thủ tục xin cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài cực kỳ phức tạp, trải qua nhiều bước và có thể phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó, nhà thầu phải có bộ phận chuyên môn về xây dựng, kế toán, pháp lý cùng hợp tác để soạn được bộ hồ sơ xin giấy phép xây dựng với nội dung chính xác, đầy đủ, toàn diện. Do đó, Luật Nguyễn sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp về điều kiện, thủ tục xin giấy phép cho nhà thầu nước ngoài để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về hoạt động này.
Thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài
Căn cứ pháp lý:
- Luật xây dựng 2014;
- Luật đấu thầu 2013;
- Luật thương mại 2005;
- Luật Xây dựng sửa đổi 2020;
- Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
Khái niệm nhà thầu nước ngoài
Nhà thầu nước ngoài là bên tham gia vào hoạt động đấu thầu. Trong đó khoản 1 Điều 214 Luật Thương mại 2005 quy định đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hóa, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu).
Bên cạnh đó, khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 định nghĩa đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên có sự khác biệt giữa hai luật đều quy định cụm từ “đấu thầu”, Luật Đấu thầu 2013 chỉ điều chỉnh hoạt động đấu thầu dự án có sử dụng vốn nhà nước, còn phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 bao gồm những hoạt động đấu thầu còn lại.
Nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng (sau đây gọi là nhà thầu) là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Như vậy, bên tham gia trong quan hệ đấu thầu là nhà thầu nước ngoài phải là tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự; đối với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Năng lực pháp luật dân sự và năng hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch. Nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh, nhà thầu phụ.
Để được thi công công trình xây dựng, nhà thầu nước ngoài phải được cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Giấy phép hoạt động xây dựng là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho nhà thầu nước ngoài theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam được quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng
Theo Điều 103 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:
- Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính (phụ).
- Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
- Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.
Thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo Mẫu số 01, Mẫu số 04, Phụ lục IV Nghị định này. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải làm bằng tiếng Việt;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp. Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự;
- Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (đối với trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu);
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);
- Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của dự án/công trình.
Các giấy tờ, tài liệu 2, 3, 5, 6 nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép
Nhà thầu nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ tới cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Tùy theo tính chất, phạm vi, tầm quan trọng của dự án thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng sẽ là Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng nơi dự án được tiến hành. Theo đó, thẩm quyền của cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng được quy định như sau:
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên;
- Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng xem xét hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng phải trả lời bằng văn bản cho nhà thầu và nêu rõ lý do.
Lệ phí về việc xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài
Nhà thầu nước ngoài phải nộp lệ phí khi nhận giấy phép hoạt động xây dựng. Lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài: 2.000.000 (hai triệu) đồng được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 172/2016/TT-BTC.
Thời hạn của giấy phép hoạt động xây dựng
Giấy phép hoạt động xây dựng chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian và sẽ hết hiệu lực trong các trường hợp sau:
- Hợp đồng thầu đã hoàn thành và được thanh lý;
- Hợp đồng không còn hiệu lực khi nhà thầu nước ngoài bị đình chỉ hoạt động, giải thể, phá sản hoặc vì các lý do khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch.
Thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng
Các trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng gồm:
- Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng;
- Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy phép hoạt động xây dựng;
- Giấy phép hoạt động xây dựng bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng;
- Giấy phép hoạt động xây dựng được cấp không đúng thẩm quyền.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng là cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng do mình cấp.
Trường hợp giấy phép hoạt động xây dựng được cấp không đúng quy định mà cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép không thực hiện thu hồi thì Bộ Xây dựng trực tiếp quyết định thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng.
Trình tự thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng:
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, văn bản kiểm tra của cơ quản lý nhà nước về xây dựng, trong đó có kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng hoặc khi phát hiện hoặc có căn cứ xác định một trong các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép xây dựng ban hành quyết định thu hồi giấy phép xây dựng; trường hợp không thu hồi thì phải có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan kiến nghị;
- Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng có trách nhiệm gửi quyết định thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi; đồng thời gửi cho chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan để biết;
- Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng phải nộp lại bản gốc giấy phép hoạt động xây dựng cho cơ quan ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi;
- Đối với trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng có trách nhiệm cấp lại giấy phép hoạt động xây dựng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép hoạt động xây dựng bị thu hồi; đối với các vi phạm tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài chỉ xem xét cấp giấy phép sau 12 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng không nộp lại giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thu hồi ra quyết định tuyên hủy giấy phép hoạt động xây dựng, gửi cho tổ chức/cá nhân bị tuyên hủy giấy phép hoạt động xây dựng, đồng thời gửi thông tin tới chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan để biết.
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài
Nhà thầu nước ngoài có các quyền sau:
Yêu cầu các cơ quan có chức năng hướng dẫn việc lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của nhà thầu theo quy định của Nghị định này;
Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc theo quy định của Nghị định này;
Được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong kinh doanh tại Việt Nam theo giấy phép hoạt động xây dựng được cấp.
Nhà thầu nước ngoài có các nghĩa vụ sau:
Lập Văn phòng điều hành tại nơi có dự án sau khi được cấp giấy phép hoạt động xây dựng; đăng ký địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail, dấu, tài khoản, mã số thuế của Văn phòng điều hành.
- Đối với các hợp đồng thực hiện lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu nước ngoài có thể lập Văn phòng điều hành tại nơi đăng ký trụ sở của chủ đầu tư hoặc không lập Văn phòng điều hành tại Việt Nam.
- Đối với hợp đồng thực hiện thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình đi qua nhiều tỉnh, nhà thầu nước ngoài có thể lập Văn phòng điều hành tại một địa phương có công trình đi qua để thực hiện công việc. Văn phòng điều hành chỉ tồn tại trong thời gian thực hiện hợp đồng và giải thể khi hết hiệu lực của hợp đồng;
Đăng ký, hủy mẫu con dấu, nộp lại con dấu khi kết thúc hợp đồng theo quy định của pháp luật. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép hoạt động xây dựng;
Đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;
Thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động; chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng;
Thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị liên quan đến hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Thực hiện hợp đồng liên danh đã ký kết với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng;
Mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với công việc của nhà thầu gồm: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm tài sản hàng hóa đối với nhà thầu mua sắm; các loại bảo hiểm đối với nhà thầu thi công xây dựng và các chế độ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Đăng kiểm chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;
Đăng kiểm an toàn thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan;
Thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định trong giấy phép hoạt động xây dựng;
Khi hoàn thành công trình, nhà thầu nước ngoài phải lập hồ sơ hoàn thành công trình; chịu trách nhiệm bảo hành; quyết toán vật tư, thiết bị nhập khẩu; xử lý vật tư, thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công xây dựng công trình theo quy định về xuất nhập khẩu; tái xuất các vật tư, thiết bị thi công đã đăng ký theo chế độ tạm nhập – tái xuất; thanh lý hợp đồng; đồng thời thông báo tới các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng, chấm dứt sự hoạt động của văn phòng điều hành công trình.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam. Nếu bạn có thắc mắc vấn đề gì hãy liên hệ Luật Nguyễn nhé
Xem thêm >>>
Thủ tục xin giấy phép kinh doanh kho bãi
————-
Ban truyền thông Luật Nguyễn