Logo là biểu tượng thương hiệu nhằm để nhận diện sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân/tổ chức. Hiện nay, Luật Sở hữu Trí tuệ quy định có 2 hình thức đăng ký bảo hộ logo, bao gồm: đăng ký nhãn hiệu độc quyền hoặc đăng ký bản quyền tác giả đối với logo.
Như vậy, có sự khác biệt nào giữa hai thủ tục này và nên lựa chọn thủ tục nào? Bài viết dưới đây xin giải đáp các thắc mắc của bạn đọc.
Nên đăng ký nhãn hiệu hay đăng ký bản quyền tác giả đối với logo
Khái niệm về đăng ký bảo hộ thương hiệu và đăng ký bản quyền tác giả cho logo
Đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền cho logo là gì?
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho logo là việc cá nhân/tổ chức tiến hành nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ độc quyền logo về cả hình thức lẫn nội dung (từ ngữ, hình ảnh, màu sắc…). Đây là biện pháp bảo hộ rất mạnh, có thể hạn chế gần như tuyệt đối vấn đề nhầm lẫn với logo của thương hiệu khác.
Khi đăng ký bảo hộ logo dưới dạng nhãn hiệu thì doanh nghiệp sẽ bảo vệ được logo của mình trong phạm vi rộng với cơ chế bảo hộ chặt chẽ nhất theo quy định pháp luật hiện nay.
Đăng ký bản quyền tác giả cho logo là gì?
Đăng ký bản quyền tác giả cho logo là việc cá nhân/tổ chức tiến hành nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả, nhằm ghi nhận các thông tin, bảo hộ tính sáng tạo của logo do cá nhân/tổ chức đó sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Nên chọn đăng ký nhãn hiệu hay bản quyền
Phân biệt về đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền và đăng ký bản quyền tác giả cho logo
Đối với đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền
➤ Ưu điểm của đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền:
- Cá nhân/tổ chức được sở hữu độc quyền logo cho lĩnh vực bảo hộ;
- Cơ chế bảo hộ về mặt pháp lý rất chặt chẽ để xử lý các hành vi xâm phạm trái phép;
- Được quyền khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu logo như: gắn logo vào sản phẩm, dịch vụ, các hoạt động thương mại, chuyển giao quyền sử dụng…
- Tính bảo hộ với hình thức này là tuyệt đối đối với việc khai thác giá trị thương mại của logo. Chỉ cần có giấy chứng nhận sở hữu là chủ sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền của mình.
➤ Nhược điểm của đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền:
- Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu logo phức tạp;
- Việc xử lý và hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí hơn;
- Khó khăn do phải chứng minh khả năng phân biệt với sản phẩm, dịch vụ khác.
- Thời hạn bảo hộ bị giới hạn (10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký), cá nhân/tổ chức phải tiến hành gia hạn nhãn hiệu trong vòng 6 tháng trước ngày văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hết hạn (hoặc có thể muộn hơn nhưng không được quá 6 tháng, tính từ ngày văn bằng hết hạn).
Đối với đăng ký bản quyền tác giả cho logo
➤ Ưu điểm của đăng ký bản quyền logo:
- Nhanh chóng nhận được giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả;
- Thời hạn bảo hộ bản quyền dài hạn: 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu;
- Thủ tục đăng ký dạng bản quyền tác giả đơn giản hơn so với đăng ký nhãn hiệu;
- Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả logo đơn giản.
➤ Nhược điểm của đăng ký bản quyền logo:
- Cơ chế bảo hộ quyền tác giả còn khá lỏng lẻo. Việc chứng minh logo bị sao chép ý tưởng là khá khó khăn vì hiện tại chưa có hệ thống tra cứu.
- Cơ chế bảo hộ về mặt pháp lý không cao bằng đăng ký nhãn hiệu logo.
Chức năng của nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa của các chủ sở hữu khác nhau trong hoạt động kinh doanh. Do đó khi muốn sử dụng logo nhằm mục đích để kinh doanh thì việc đăng ký nhãn hiệu sẽ mang lại quyền lợi tốt nhất cũng như cơ chế chặt chẽ để xử lý hành vi vi phạm sử dụng nhãn hiệu. Thông thường, chủ sở hữu chỉ muốn ghi nhận quyền tác giả của mình trước cơ quan nhà nước thì có thể cân nhắc việc đăng ký bản quyền.
Như vậy, với 2 hình thức đăng ký bảo hộ logo nêu trên thì tùy vào chiến lược xây dựng thương hiệu và khả năng tài chính của mỗi doanh nghiệp mà doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Xem thêm >>>
- Các tin khác
- OA zalo Official VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LUẬT NGUYỄN: https://zalo.me/2873546645484960727
- Youtube LUẬT NGUYỄN: https://www.youtube.com/@LuatNguyencorp
- Fanpage LUẬT NGUYỄN: https://www.facebook.com/vpls.luatnguyen
————–
Ban truyền thông Luật Nguyễn