Để chủ động hơn trong tổ chức hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí vận chuyển, sự thuận tiện cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất, nhiều doanh nghiệp đã chọn lập chi nhánh ở nhiều tỉnh thành phố. Tùy vào mục đích thành lập chi nhánh mà công ty có quyền chọn lựa hình thức hạch toán phụ thuộc hoặc hình thức hạch toán độc lập. Bài viết dưới đây, bạn đọc sẽ tìm hiểu về:
Cách kê khai thuế đối với Chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh là cơ sở sản xuất
Căn cứ pháp lý
Chi nhánh hạch toán phụ thuộc được hiểu như thế nào?
- Chi nhánh hạch toán phụ thuộc hay còn được gọi là “Báo sổ”. Tức toàn bộ hóa đơn, chứng từ, nghiệp vụ phát sinh được tập hợp lại và định kỳ (thường là cuối mỗi tháng) sẽ được gửi về trụ sở công ty để thực hiện việc hạch toán, kê khai cũng như quyết toán thuế theo đúng hướng dẫn chung về luật kế toán.
- Chi nhánh hạch toán phụ thuộc bao gồm chi nhánh công ty, văn phòng đại diện của công ty
Cách kê khai thuế cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh
Về khai thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNDN, đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất
Về khai và nộp thuế môn bài
- Đơn vị phụ thuộc ở khác tỉnh thì nộp tờ khai và tiền thuế môn bài tại chi nhánh đó.
Về khai và nôp thuế GTGT
Phân bổ thuế GTGT
Những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) khác tỉnh với trụ sở chính: Nếu không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì:
- Cơ sở sản xuất có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương đó, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải lập hóa đơn GTGT làm căn cứ để kê khai, nộp thuế tại đó.
- Cơ sở sản xuất không thực hiện hạch toán kế toán thì kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất (Thuế vãng lai ngoại tỉnh)
Số thuế GTGT phải nộp cho địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất được xác định theo tỷ lệ:
- 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%)
- 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra. (Phải lập tờ khai GTGT mẫu 05/GTGT và phụ lục 01-5/GTGT để thể hiện số thuế của hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh)
Nếu tổng số thuế GTGT phải nộp cho địa phương (nơi cơ sở sản xuất) xác định theo nguyên tắc trên mà lớn hơn số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính thì DN tự phân bổ số thuế phải nộp cho các địa điểm kinh doanh như sau:
Số thuế GTGT phải nộp cho địa điểm kinh doanh = Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính X Tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp.
Khai và nộp thuế GTGT
Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:
- Nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu (trừ hoạt động sản xuất thủy điện, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán) theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;
- Nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này.
(Theo điểm d khoản 3 điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC)
Về khai và nôp thuế TNDN
Khai thuế, tạm nộp thuế TNDN hàng quý:
Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế quý nhưng phải xác định số thuế tạm nộp hàng quý theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất, bao gồm cả nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Người nộp thuế khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mẫu số 03/TNDN, nộp phụ lục bảng phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với cơ sở sản xuất theo mẫu số 03-8/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này.
- Riêng hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì người nộp thuế khai quyết toán thuế theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03-3A/TNDN, 03-3B/TNDN, 03-3C/TNDN, 03-3D/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này và nộp tại cơ quan thuế nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi khác tỉnh và cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý nhỏ hơn số thuế phải nộp phân bổ cho từng tỉnh theo quyết toán thuế thì người nộp thuế phải nộp số thuế còn thiếu cho từng tỉnh.
Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý lớn hơn số thuế phân bổ cho từng tỉnh thì được xác định là số thuế nộp thừa và xử lý theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế và Điều 25 Thông tư này.
Xem thêm >>>
Danh sách các tờ khai phải nộp cập nhật mới nhất
Hướng dẫn xuất hóa đơn thuế GTGT 8% cập nhật mới nhất
—————-
Ban truyền thông Luật Nguyễn