Vừa qua Tổng Cục thuế vừa có Thông báo số 237/TB-TCT ngày 15/06/2022 gửi đến các Vụ, đơn vị, Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và công điện 08/CĐ-TCT ngày 10/06/2022 đối với việc nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Hậu kiểm thuế đối với hồ sơ chuyển nhượng bất động sản
Rà soát, cập nhật số liệu về chuyển nhượng bất động sản
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế tỉnh thành xử lý hồ sơ hoạt động chuyển nhượng BĐS theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”. Nay, để đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế rà soát, chuẩn hóa dữ liệu liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng BĐS trên các ứng dụng của ngành thuế để tạo cơ sở dữ liệu. Thu nhập, cập nhật thông tin về người nộp thuế từ các nguồn thông tin bên ngoài liên quan đến hoạt động chuyển nhượng BĐS như dữ liệu từ tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại…
Để thực hiện yêu cầu này, Tổng Cục thuế đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát, chuẩn hóa dữ liệu liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trên các ứng dụng của ngành thuế để tạo cơ sở dữ liệu.
Cục Thuế các tỉnh, thành phố phải nhập đầy đủ, chính xác thông tin tất cả các hồ sơ phát sinh đang được phân quyền nhập trên ứng dụng, bao gồm các hồ sơ về chuyển nhượng; thừa kế, cho tặng; giao đất qua đấu giá; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như cập nhật thông tin kịp thời các hồ sơ về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thông báo tiền sứ dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước…
Rà soát, kiểm tra chặt chẽ với những hồ sơ nghi ngờ trốn thuế
Sở dĩ có yêu cầu trên là vì hiện nay ngành thuế đang tuyên chiến với nạn “hai giá” trong chuyển nhượng bất động sản. Trước đó nạn kê khai hai giá rất phổ biến: người mua – bán bất động sản sẽ làm hai hợp đồng, một hợp đồng ghi giá chuyển nhượng thật và một hợp đồng để công chứng ghi giá thấp hơn (có thể chỉ cao hơn một chút so với bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành), nhằm giảm số tiền thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ phải nộp.
Vì lẽ đó mà trong thời gian gần đây Tổng cục Thuế nhận được phản ánh ở một số địa phương vẫn còn có hiện tượng cơ quan thuế trả lại hồ sơ kê khai thuế do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế.
Nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính “tiền phòng, hậu kiểm”, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định (ngâm hồ sơ) mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Thông tư 92/2015/TT-BTC và chỉ đạo tại Công văn 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 của Bộ Tài chính để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế.
Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nếu có đầy đủ cơ sở dữ liệu hoặc nguồn thông tin, tài liệu, chứng từ chứng minh người nộp thuế cố tình kê khai giá giao dịch, chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng để lách thuế thì Chi cục Thuế ấn định số thuế phải nộp theo quy định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, cơ quan thuế chuyển sang cơ quan công an.
Bên cạnh đó Tổng Cục thuế cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát, bố trí công chức tại các bộ phận khác để tăng cường lực lượng cho bộ phận xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, tổ chức làm thêm giờ để giải quyết triệt để các hồ sơ còn tồn đọng (nếu có) và đảm bảo ban hành Thông báo thuế đúng thời hạn theo quy định đối với các hồ sơ mới phát sinh, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nếu phát sinh việc giải quyết hồ sơ vượt quá thời hạn quy định hoặc phát sinh việc trả lại hồ sơ đối với những hồ sơ đã đầy đủ theo quy định.
Ngoài ra Tổng Cục thuế còn giao cho các Vụ, đơn vị những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Giao Vụ DNNCN chủ trì, phối hợp Vụ TTHT, các Vụ, đơn vị có giải pháp tuyên truyền phù hợp; các Cục Thuế, Chi cục Thuế chủ động phối hợp các đơn vị trên địa bàn (Hiệp hội Bất động sản, Văn phòng công chứng, …) thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp thực tế tại từng địa phương, khu vực, dự án… để người dân và doanh nghiệp nắm được, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
- Giao Vụ DNNCN khẩn trương tổng hợp ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, báo cáo Tổng cục Thuế, trình Bộ dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 92/2015/TT-BTC tạo cơ sở pháp lý để thực hiện.
- Giao Vụ DNNCN chủ trì, phối hợp Cục TTKT, Ban QLRR và các Vụ, đơn vị rà soát, hướng dẫn các Cục Thuế thống nhất thực hiện việc “hậu kiểm” đối với các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản có rủi ro theo đúng quy định pháp luật; phân tích rủi ro, thực hiện kiểm tra theo chuyên đề một số dự án để có thông tin thực tế, phổ biến trong toàn ngành thực hiện thống nhất.
- Giao Cục KTNB bổ sung kế hoạch kiểm tra nội bộ trong đó có nội dung kiểm tra về công tác xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Cơ quan Thuế các cấp, báo cáo Tổng cục Thuế.
Xem thêm >>> Các tin khác
——————
Ban tuyền thông Luật Nguyễn