Hiện nay, pháp luật chứng thực không quy định về thời hạn sử dụng bản sao chứng thực từ bản chính
Hiệu lực của bản sao chứng thực từ bản chính
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp nhận được rất nhiều kiến nghị của công dân xoay quanh vấn đề về thời hạn sử dụng và giá trị pháp lý của bản sao chứng thực từ bản chính. Nhằm giải đáp thắc mắc của người dân đồng thời nhằm thống nhất trong thủ tục hành chính Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 3574/BTP-HTQTCT ngày 23 tháng 9 năm 2022 về việc trả lời kiến nghị của công dân. Ý kiến của Bộ Tư pháp về vấn đề trên được nêu rõ trong công văn như sau:
Về thời hạn sử dụng của bản sao được chứng thực từ bản chính
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu khi chứng thực. Trường hợp bản chính có sự thay đổi thông tin, nội dung thì bản sao đã được chứng thực trước đó không có giá trị sử dụng thay cho bản chính hiện tại. Bên cạnh đó, khi thực hiện các thủ tục hành chính, nếu pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về mặt giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực từ bản chính
Tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực
1. Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
4. Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Xem thêm >>> Các tin khác
—————
Nguồn: Bộ tư pháp – dichvucong