Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất được hiểu là khi có sự thay đổi về thông tin như xây nhà hoặc các công trình khác trên đất thì phải tiến hành thủ tục đăng ký biến động đất đai. Đây là nội dung được khá nhiều người quan tâm, tìm kiếm.
13 trường hợp được cấp sổ đỏ mới khi đăng ký biến động đất đai
Theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021, bổ sung thêm 2 trường hợp đăng ký biến động đươc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, nâng tổng số lên thành 13 trường hợp đăng ký biến động đất đai được cấp sổ đỏ mới.
Cụ thể, theo Thông tư này các trường hợp đăng ký biến động được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là sổ đỏ) bao gồm:
1. Hợp nhiều thửa đất thành một thửa đất mới.
2. Tách một thửa đất thành nhiều thửa đất mới phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Thửa đất được tách ra để cấp riêng sổ đỏ đối với trường hợp sổ đỏ đã được cấp chung cho nhiều thửa.
4. Chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
5. Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
6. Trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng một phần diện tích đất, tài sản gắn liền với đất trên sổ đỏ đã cấp dưới các hình thức quy định tại mục 1, 2, 3.
7. Thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng hoặc của nhóm người cùng sở hữu, sử dụng.
8. Chứng nhận bổ sung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp sổ đỏ.
9. Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính.
10. Thay đổi diện tích đất ở trong thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định.
11. Sổ đỏ đã cấp bị hư hỏng hoặc bị mất.
12. Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên trang 4 của sổ đỏ đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi.
13. Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới sổ đỏ gồm các trường hợp sau:
- Khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
- Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
- Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
- Chuyển mục đích sử dụng đất;
- Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
- Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất;
- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
- Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
- Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận;…
- Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
- Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai
Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định (khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013).
Hiện nay, Đơn đăng ký biến động đất đai là Mẫu số 09/ĐK được ban hành theo Thông tư 24/2014.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2019/TT-BTNMT, bạn cần chuẩn bị thêm các giấy tờ sau:
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ);
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
- Các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng miễn thuế (nếu có);
- Bản chính Tờ khai lệ phí trước bạ;
Hình hình nộp hồ sơ:
Người sử dụng đất lựa chọn 01 trong 02 cách sau đây để nộp hồ sơ:
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu có nhu cầu.
Cách 2: Hộ gia đình, cá nhân không nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
– Trường hợp địa phương đã thành lập bộ phận một cửa: Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp huyện;
– Trường hợp địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa: Nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện/Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu chưa có Văn phòng đăng ký đất đai).
Không đăng ký biến động khi mua bán nhà đất bị phạt thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký biến động bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
– Khu vực nông thôn:
+ Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng: Không thực hiện đăng ký biến động trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn.
+ Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng: không thực hiện đăng ký biến động nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn.
– Khu vực đô thị: Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng tại khu vực nông thôn (tối đa là 10 triệu đồng/lần vi phạm).
Mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì người bị xử phạt là bên nhận chuyển quyền sử dụng đất (tức người mua).
Xem thêm >>> Giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho nhiều đối tượng
——————-
Ban truyền thông Luật Nguyễn