Đây là nội dung theo Công văn 3441/TCT-TTKT 2024 vừa được Tổng cục thuế ban hành ngày 05/08/2024 về việc tiếp tục rà soát thông tin đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội.
Cơ quan thuế sẽ rà soát thuế của 100% người bán hàng livestream
Livestream bán hàng: Doanh thu mơ ước hay thách thức đầy rủi ro?
Cơn sốt bán hàng qua livestream đang lan rộng mạnh mẽ trên khắp các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử tại Việt Nam. Hình thức này không chỉ hấp dẫn bởi sự tương tác trực tiếp giữa người bán và khách hàng mà còn bởi những con số doanh thu choáng ngợp mà nó mang lại. Nhiều người đã bước vào lĩnh vực này với hy vọng đổi đời, khi chứng kiến những doanh số khổng lồ từ các buổi livestream thành công.
Có thật sự doanh thu từ livestreams đang là con số mà nhiều người mơ ước? Câu trả lời là có, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Những trường hợp doanh thu hàng tỷ đồng từ một buổi livestream đã trở thành câu chuyện thường gặp, thu hút nhiều cá nhân và doanh nghiệp tham gia. Những con số này thường được thổi phồng trên truyền thông, tạo nên một ảo tưởng về sự dễ dàng và hào nhoáng. Nhưng thực tế, để đạt được những con số ấy đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, công sức, và chi phí. Từ việc xây dựng thương hiệu cá nhân, sản phẩm chất lượng, đến việc duy trì tương tác liên tục với khách hàng – tất cả đều là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.
Đằng sau thành công của những phiên livestream bạc tỷ là quá trình chuẩn bị của cả một ekip, từ kết nối với nhãn hàng, lựa chọn sản phẩm, quay quảng cáo, lên ý tưởng, bối cảnh, đến những kế hoạch truyền thông, quảng bá thu hút người xem.
Có rất nhiều yếu tố quyết định thành công của một phiên livestream, mang về doanh thu tiền tỷ như truyền thông trước sự kiện, lựa chọn nhãn hàng, sản phẩm, sự hỗ trợ từ chính TikTok Shop, kỹ năng livestream cũng như sự kết hợp ekip. Buổi live quy mô càng lớn thì số tiền đầu tư càng nhiều. Trong khi, doanh số bán hàng kết thúc phiên live không phải con số cuối cùng, bởi sau đó, nhà bán hàng còn phải trừ đi những đơn hàng bị hoàn, hủy thì mới ra được con số chính xác. Trung bình, tỷ lệ hoàn, hủy của các nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là 20-30% tùy từng ngành hàng.
Cơ quan thuế sẽ rà soát thuế của 100% người bán hàng livestream
Tuy nhiên, “miếng bánh” livestream bán hàng có thực sự ngọt ngào như nó vẫn được vẽ ra? Đằng sau sự hào nhoáng là những thách thức không nhỏ, đặc biệt khi cơ quan thuế bắt đầu siết chặt quản lý. Cơ quan thuế đã nhận ra sự bùng nổ của hình thức kinh doanh này và đang tăng cường các biện pháp để đảm bảo rằng tất cả các nguồn thu nhập từ livestream bán hàng đều được khai báo và nộp thuế đúng quy định.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi cục thuế các địa phương, yêu cầu rà soát toàn bộ tổ chức, cá nhân livetream bán hàng ở các nền tảng như Youtube, Facebook, Tiktok… Qua đó, cơ quan thuế sẽ thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với các trường hợp có dấu hiệu rủi ro.
Khi được yêu cầu, các đối tượng trên sẽ phải phối hợp chặt với các cơ quan chức năng; ngành thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nếu có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế.
Đồng thời, cục thuế các địa phương cũng được yêu cầu phối hợp với nhau, triển khai đồng bộ giải pháp để tăng cường quản lý đối với nhóm cá nhân, tổ chức có thu nhập cao qua bán hàng từ livestream.
Việc không tuân thủ các quy định về thuế có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, từ truy thu thuế, xử phạt đến mất uy tín và khó khăn trong kinh doanh. Hơn nữa, trong bối cảnh ngày càng nhiều cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động này, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các đơn vị kinh doanh không chỉ phải sáng tạo mà còn phải minh bạch, tuân thủ pháp luật để duy trì sự phát triển bền vững.
Xem thêm >>> Các tin khác
—————
Ban truyền thông Luật Nguyễn