Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn kinh tế khu vực được thành nhằm thúc đẩy mối quan hệ của các thành viên trong khối Châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng lớn dần. Nhằm tăng cường sự thuận tiện trong các hoạt động kinh tế, thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC) đã ra đời.
Thẻ ABTC mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng thuộc các nền kinh tế thành viên gia nhập APEC. Công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết xuất, nhập cảnh tới những quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên sở hữu một chiếc thẻ ABTC.
Sau đây, Luật Nguyễn sẽ trình bày một số thông tin về thẻ ABTC để người đọc có thể nắm được và cân nhắc về việc nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ ABTC:
Điều kiện và thủ tục xin cấp thẻ doanh nhân APEC
Căn cứ pháp lý
Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-TTG ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ
Thẻ APEC(ABTC) là gì?
Theo Điều 1 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015, thẻ đi lại của doanh nhân APEC (gọi tắt là thẻ ABTC) là một loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước và vùng lãnh thổ tham gia Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp cho doanh nhân của mình để tạo thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC tham gia Chương trình. Người mang thẻ ABTC, khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó.
Thời hạn sử dụng thẻ APEC
- Thẻ ABTC có thời hạn sử dụng 05 năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn; trường hợp thẻ ABTC hết thời hạn sử dụng sẽ được cấp thẻ mới được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015.
- Thẻ ABTC chỉ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh khi người mang thẻ xuất trình kèm theo hộ chiếu hợp lệ. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nước và vùng lãnh thổ thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nước hoặc vùng lãnh thổ đó tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015.
Điều kiện và thủ tục xin cấp thẻ doanh nhân APEC
Điều kiện để được xét cấp thẻ APEC
Dựa theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015, các đối tượng chính được xét cấp thẻ APEC gồm có
(1) Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là
- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm;
- Thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc; Giám đốc, Phó giám đốc các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Giám đốc, Phó giám đốc các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng;
- Kế toán trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, ngân hàng; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp hoặc chi nhánh ngân hàng.
(2) Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể gồm có
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty;
- Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã;
- Kế toán trưởng, Trưởng phòng trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của các doanh nghiệp và các chức danh tương đương khác.
(3) Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham gia các hoạt động của APEC, trong đó gồm
- Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC;
- Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của APEC;
- Trưởng đại diện, Phó đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.
(4) Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC, Bộ trưởng Bộ Công an có thể xét, cấp thẻ ABTC cho những người không thuộc quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Thủ tục đề nghị cấp thẻ doanh nhân APEC
Việc thực hiện thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an được áp dụng với các đối tượng được quy định tại Điều 6 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015, theo đó Điều 9 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015 quy định hồ sơ gồm:
- 01 tờ khai đề nghị cấp thẻ ABTC, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Thủ trưởng doanh nghiệp hoặc cơ quan tổ chức cán bộ các ngành kinh tế, quản lý nhà nước chuyên ngành về các hoạt động của các doanh nghiệp (theo mẫu do Bộ Công an quy định);
- Văn bản thông báo đề nghị cấp thẻ ABTC hoặc văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Quy chế này
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an có trách nhiệm trao đổi dữ liệu nhân sự của người đề nghị với cơ quan có thẩm quyền của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý cấp thẻ ABTC của cơ quan có thẩm quyền của một nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên trở lên, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cấp thẻ ABTC cho người đề nghị.
Người được cấp thẻ ABTC phải nộp lệ phí theo quy định.
Thẩm quyền xét cho sử dụng thẻ ABTC
Tại Điều 7 Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2015 quy định:
Trường hợp đầu tiên được liệt kê tại (1) và (3) tại mục 3 của bài viết này có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp nơi công tác thông báo đề nghị cấp thẻ bằng văn bản.
Các trường hợp còn lại của mục (1), (2), (3) tại mục 3 có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm xét, cho phép sử dụng thẻ. Doanh nhân làm việc tại các doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập nhưng đã được cổ phần hóa, không còn vốn nhà nước chi phối thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên khi xét, cho phép doanh nhân quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC được sử dụng thẻ ABTC phải căn cứ vào năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng hợp tác với đối tác của các nước hoặc vùng lãnh thổ là thành viên chương trình.
Các trường hợp, thủ tục và thời hạn được cấp lại thẻ ABTC
Trường hợp được cấp lại thẻ ABTC gồm
- (a) Thẻ ABTC còn giá trị sử dụng nhưng doanh nhân đề nghị cấp lại
(b) Khi doanh nhân được cấp hộ chiếu mới thì cũng phải cấp lại thẻ ABTC cho phù hợp với nội dung mới của hộ chiếu. - (c) Bị cơ quan có thẩm quyền của một nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên ghi trong thẻ ABTC trở lên thông báo thẻ không còn giá trị để nhập cảnh.
- (d) Khi thẻ ABTC bị mất/hỏng và doanh nhân đề nghị cấp lại.
- (e) Có kết luận của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án các cấp về việc doanh nhân không vi phạm pháp luật hoặc đã chấp hành xong các nghĩa vụ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.
Trường hợp (a), (b), (c), (d), (e) tại mục này muốn xin cấp lại thẻ ABTC đều phải chuẩn bị văn bản sau:
– 01 tờ khai đề nghị cấp lại thẻ ABTC, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của Thủ trưởng doanh nghiệp hoặc cơ quan tổ chức cán bộ các ngành kinh tế, quản lý nhà nước chuyên ngành về các hoạt động của các doanh nghiệp (theo mẫu do Bộ Công an quy định).
Đối với trường hợp (a), doanh nhân cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ:
- Văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 của Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC. Trường hợp người đề nghị cấp lại thẻ ABTC mà cơ quan, doanh nghiệp nơi người đó làm việc xác nhận không thay đổi về chức danh và vị trí công tác so với lần đề nghị cấp thẻ ABTC trước đó thì không phải nộp văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng;
- Thẻ ABTC đã được cấp.
Bên cạnh đó, với trường hợp (b) cần nộp thêm: Bản sao hộ chiếu mới cấp lại cho doanh nhân; còn trường hợp (c) nộp thêm : Văn bản thông báo của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an về doanh nhân của cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam bị một trong các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên ghi trong thẻ ABTC trở lên thông báo thẻ ABTC không còn giá trị nhập cảnh. Cả hai trường hợp này đều phải nộp : Thẻ ABTC đã cấp cho doanh nhân.
Đối với trường hợp (d), bên xin cấp lại cung cấp thêm: Văn bản thông báo mất thẻ ABTC theo quy định tại Điều 4 Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC; còn trường hợp thẻ ABTC bị hỏng thì cung cấp thêm: Thẻ ABTC bị hỏng, bị bẩn.
Cuối cùng là trường hợp (e), doanh nhân cần cung cấp thêm:
- Kết luận của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án các cấp về việc doanh nhân không vi phạm pháp luật hoặc đã chấp hành xong các nghĩa vụ quy định tại điểm c khoản 1 điều 11 Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC;
- Văn bản cho phép cấp lại thẻ ABTC của Thủ trưởng cấp Bộ, tỉnh;
Thời hạn giá trị của thẻ ABTC được cấp lại
- Thẻ ABTC được cấp lại tại trường hợp (a) và (e) mục này có thời hạn 05 năm tính từ ngày cấp thẻ mới;
- Thẻ ABTC được cấp lại tại trường hợp (b), (c) và (d) mục này có thời hạn 05 năm tính từ ngày cấp thẻ cũ.
Thời hạn giải quyết cấp lại thẻ ABTC cũng tương tự như thời hạn giải quyết cấp thẻ ABTC.
Trường hợp thẻ bị thông báo không còn giá trị đối với doanh nhân Việt Nam
Nếu thuộc một trong các trường hợp được liệt kê dưới đây, thẻ ABTC đã cấp cho doanh nhân Việt Nam có thể bị thông báo không còn giá trị:
– Doanh nhân không còn giữ các chức vụ nêu tại mục 3 bài viết này hoặc Thủ trưởng cấp Bộ, tỉnh có văn bản đề nghị thông báo thẻ ABTC đã cấp cho doanh nhân của cơ quan, doanh nghiệp mình không còn giá trị;
– Giả mạo hồ sơ doanh nhân để được cấp thẻ;
– Doanh nhân vi phạm pháp luật đang trong quá trình bị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý; đang phải chấp hành hình phạt hoặc đã chấp hành xong nhưng chưa được xoá án tích hoặc đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế, lao động hoặc đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính;
– Doanh nhân có tên trong danh sách thông báo của cơ quan có thẩm quyền của một nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên ghi trong thẻ thông báo thẻ ABTC của doanh nhân đó không còn giá trị. Khi đó thẻ ABTC chỉ còn giá trị nhập xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ còn lại có tên ghi trong thẻ.
Xem thêm >>> Các dịch vụ khác
——————-
Ban truyền thông Luật Nguyễn