Quy định mới về công nhận văn bằng do nước ngoài cấp

Quy định mới về công nhận văn bằng do nước ngoài cấp

Từ ngày 02/11/2024, về công nhận văn bằng do nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam được áp dụng theo Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT của Bộ giáo dục & Đào tạo ban hành ngày 2/5/2024.

quy-dinh-moi-ve-cong-nhan-van-bang-do-nuoc-ngoai-cap
Hình minh hoạ

Quy định mới về công nhận văn bằng do nước ngoài cấp áp dụng từ ngày 02/11/2024

Ngày 2/5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung Điều 7 và thay thế Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT (ngày 15/4/2021). Thông tư này quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 02/11/2024.

Quy định về hồ sơ công nhận văn bằng do nước ngoài cấp từ 02/11/2024

Theo Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT, hồ sơ công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp sẽ bao gồm các tài liệu sau:

Về văn bằng

Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt.

Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt.

Bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ có liên quan: Nếu có, các tài liệu này cũng phải được dịch và công chứng theo yêu cầu.

Minh chứng về thời gian học ở nước ngoài

Minh chứng thời gian học tại nước ngoài (nếu có): Các minh chứng này bao gồm quyết định cử đi học, hộ chiếu, các trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh phù hợp với thời gian học, hoặc các giấy tờ liên quan khác.

Xác minh thông tin về văn bằng

Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng: Nếu cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, người đề nghị công nhận văn bằng phải cung cấp văn bản ủy quyền để xác minh thông tin.

Các thông tin và tài liệu trên sẽ được tải lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT, và người đề nghị công nhận văn bằng sẽ thực hiện việc thanh toán lệ phí theo quy định.

Trình tự thực hiện và nhận kết quả công nhận văn bằng

Nộp hồ sơ

Người đề nghị công nhận văn bằng nộp qua 2 hình thức:

  • Trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GD&ĐT hoặc Sở GD&ĐT. Một điểm mới quan trọng trong Thông tư này là việc người yêu cầu công nhận văn bằng có thể tải toàn bộ hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến mà không cần đến nộp hồ sơ trực tiếp. Quá trình xử lý hồ sơ sẽ được cập nhật liên tục, giúp người đề nghị theo dõi tiến độ xử lý và tránh tình trạng hồ sơ bị trễ mà không rõ lý do. Hệ thống cũng cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến cho lệ phí công nhận văn bằng.
  • Nộp qua đường bưu điện (trong trường hợp không tải hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến) đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng các hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này. 

Trình tự công nhận văn bằng:

Quy trình công nhận văn bằng sẽ được thực hiện hoàn toàn qua hình thức trực tuyến, tạo sự tiện lợi cho người dân và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Cụ thể, nếu người đề nghị có thông tin xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp bằng hoặc cơ quan có thẩm quyền, họ chỉ cần cung cấp các minh chứng và tải lên hệ thống. Nếu không có thông tin xác thực trực tiếp, hồ sơ cần được chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trước khi tải lên hệ thống.

Thời gian xử lý hồ sơ:

Cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng sẽ có trách nhiệm trả kết quả trong thời hạn **20 ngày làm việc** kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần xác minh thông tin từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực quốc tế, thời gian trả kết quả có thể kéo dài nhưng không quá **45 ngày làm việc**.

Kết quả công nhận văn bằng:

Kết quả công nhận sẽ được cấp qua giấy công nhận theo mẫu tại Phụ lục II và III của Thông tư này. Nếu văn bằng không đủ điều kiện công nhận hoặc không thể xác minh được thông tin, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử cho người đề nghị. Trong trường hợp không xác định được mức độ tương đương với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền sẽ công nhận giá trị văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước cấp.

Giấy công nhận văn bằng:

Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy công nhận văn bằng, trong đó ghi rõ các thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh của người được công nhận văn bằng, tên cơ sở giáo dục cấp bằng, hình thức đào tạo, trình độ tương đương với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, và số vào sổ cấp giấy công nhận.

Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 02/11/2024, giúp tạo thuận lợi cho những người có văn bằng nước ngoài có thể nhanh chóng sử dụng văn bằng của mình tại Việt Nam, đồng thời giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý và giám sát quá trình công nhận văn bằng.

Xem thêm >>>

Mời bạn xem chi tiết Thông tư số 07/2024/TT-BGDĐT tại nguồn: https://vanban.chinhphu.vn/

Các tin khác

 

——————-

Ban truyền thông Luật Nguyễn

 

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on telegram
Share on pinterest
Share on skype

Bạn có thể quan tâm

Scroll to Top