Tại địa bàn huyện Bình Chánh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM thanh tra, phát hiện có 703 “SIM rác” của các nhà mạng viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile,…) và 04 thiết bị kích hoạt SIM, máy tính để bàn phục vụ cho hoạt động vi phạm pháp luật.

Việc để SIM rác lưu hành trên thị trường gây ra nhiều mối nguy hại cho xã hội như: lừa đảo, đe dọa, tống tiền, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức/cá nhân… Theo đó, nhằm giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý, kiểm soát đến việc sử dụng, mua bán SIM thuê bao di động, Chính phủ ban hành các quy định để nhà mạng, các cửa hàng kinh doanh và người dùng thực hiện cùng với các chế tài xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến “SIM rác”. Bài viết này sẽ đem đến cho người đọc một số quy định về đăng ký SIM theo quy định của pháp luật và khung hình phạt đối với các bên có hành vi vi phạm liên quan đến SIM thuê bao di động.
Mức phạt liên quan đến việc đăng ký SIM và mua bán “SIM rác”
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định số 15/2020/NĐ-CP;
– Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP;
– Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP.
Quy định về SIM thuê bao di động
SIM thuê bao di động là thiết bị đã được gắn một số thuê bao xác định và chứa các dữ liệu, thông tin liên quan khác dùng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông di động.
Theo quy định thì khi mua SIM thuê bao di động, người dùng phải giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, riêng đối với người dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì phải do cha, mẹ, hoặc người giám hộ thực hiện.
Người mua SIM thuê bao di động phải xuất trình giấy tờ của mình khi đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bao gồm: bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn lưu hành tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài (sau đây gọi chung là giấy tờ tùy thân).
Tiếp theo đó, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện các bước như sau:
- Đối chiếu, kiểm tra giấy tờ là đúng của cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP;
- Từ chối giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với các cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ không đúng quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP hoặc giấy tờ được xuất trình không rõ, không bảo đảm việc số hóa giấy tờ được rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin;
- Nhập đầy đủ, chính xác thông tin thuê bao theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP;
- Thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các cá nhân, tổ chức có giấy tờ đáp ứng đầy đủ các quy định;
- Lưu giữ thông tin thuê bao trên cơ sở dữ liệu về thông tin thuê bao của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền đầy đủ các thông tin thuê bao về hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp viễn thông;
- Bảo đảm khả năng truy nhập vào cơ sở dữ liệu về thông tin thuê bao của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra thông tin thuê bao của các thuê bao đã giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
- Bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
Trái ngược với các SIM thuê bao di động đã được người sử dụng giao kết hợp đồng, điều kiện chung với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông là SIM rác. Đó là SIM đã được kích hoạt sẵn thông tin của người không sử dụng SIM. Hay nói cách khác là SIM sử dụng không chính chủ.
Chế tài đối với các hành vi vi phạm việc đăng ký SIM thuê bao di động
Theo Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP
Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao từ 10 tháng đến 12 tháng với số lượng SIM vi phạm từ 01 đến 200 SIM khi thực hiện các hành vi dưới đây:
- a) Giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân của các cá nhân, giấy tờ chứng nhận pháp nhân của tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
- b) Không thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông khi chuyển quyền sử dụng số thuê bao;
- c) Không đề nghị doanh nghiệp viễn thông cấp, khôi phục lại sim hoặc không đề nghị chấm dứt hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi chủ thuê bao để mất, thất lạc sim thuê bao, thiết bị có gắn số thuê bao;
- d) Không làm rõ được việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông.
Trong trường hợp SIM vi phạm với số lượng lớn thì chế tài sẽ tăng nặng từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp các cửa hàng bán SIM, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vi phạm các hành vi dưới đây:
- a) Bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
- b) Bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho SIM thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
- c) Mua bán, trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho SIM thuê bao.
Bên cạnh đó, trong trường hợp thực hiện các hành vi vi phạm vừa nêu trên với số lượng SIM từ 201 đến 500 SIM sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; với số lượng từ 501 SIM trở lên sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động do thực hiện các hành vi sau đây trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 01 đến 10 SIM:
- a) Cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác;
- b) Không thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với cá nhân khi sử dụng từ số thuê bao di động trả trước thứ tư trở lên.
Đối với các hành vi vi phạm vừa được đề cập, doanh nghiệp viễn thông di động sẽ bị phạt tiền trong các trường hợp sau:
- a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 11 đến 20 SIM;
- b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 21 đến 30 SIM;
- c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 31 đến 40 SIM;
- d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 41 SIM trở lên.
Có thể thấy quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông nói chung và SIM thuê bao nói riêng được siết chặt nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được công dân đang sở hữu SIM thuê bao với số lượng bao nhiêu và khi có các hành vi trái pháp luật thông qua việc sử dụng tin nhắn, cuộc gọi thì Công an có thể phối hợp với Bộ, ban ngành có liên quan để kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về SIM thuê bao di động cũng như mua bán, sử dụng “SIM rác”.
Xem thêm >>>
Tăng mức phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác
——————-
Ban truyền thông Luật Nguyễn