Thủ tục xin cấp Giấy phép liên vận Việt Nam-Campuchia

Thủ tục xin cấp Giấy phép liên vận Việt Nam-Campuchia

Nội dung bài viết

Đối với bạn đọc có nhu cầu xin cấp Giấy phép liên vận Việt Nam–Campuchia, những thông tin quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp loại Giấy phép liên vận,… hy vọng sẽ giúp bạn phần nào hiểu thêm về loại giấy phép này.

thu-tuc-xin-cap-giay-phep-lien-van-viet-nam-campuchia
Thủ tục xin cấp giấy phép liên vận Việt Nam–Campuchia. (Hình minh họa)

Thủ tục xin cấp Giấy phép liên vận Việt Nam-Campuchia

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia có mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài các hiệp định được ban hành trong khuôn khổ ASEAN, Chính phủ Việt Nam và Campuchia đã ký kết nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước. Trên cơ sở xúc tiến thương mại và đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực, Việt Nam đã cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia cho các phương tiện của cá nhân, tổ chức trong trường hợp vận tải đường bộ qua biên giới Campuchia. 

Cơ sở pháp lý:

  • Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới;
  • Thông tư số: 39/2015/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia;
  • Thông tư 47/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia.;
  • Thông tư số 05/2022/TT-BGTVT bãi bỏ một số quy định liên quan đến cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép của các Thông tư về vận tải đường bộ quốc tế do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

I. Quy định đối với phương tiện được cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia:

Phương tiện di chuyển qua biên giới Campuchia được phân loại thành: phương tiện thương mại và phương tiện phi thương mại quy định tại Điều 4 Thông tư 47/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia như sau:

Quy định đối với phương tiện thương mại

Phương tiện thương mại bao gồm:

  • Xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải khách du lịch: có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái xe);
  • Xe taxi: có 05 chỗ ngồi (kể cả người lái xe);
  • Xe vận tải hàng hóa: xe tải, xe đầu kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc đi theo đầu kéo. Xe tải hoặc xe đầu kéo nối với rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được tính là một xe.

Quy định đối với phương tiện phi thương mại

Phương tiện phi thương mại là ô tô chở người không quá 09 chỗ ngồi (kể cả người lái xe) và ô tô chở hàng hóa không thu tiền, bao gồm:

– Phương tiện công vụ thuộc quyền sử dụng của các cơ quan, tổ chức gồm:

  • Phương tiện của các cơ quan trung ương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ;
  • Phương tiện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam;
  • Phương tiện của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đoàn thể, các tổ chức sự nghiệp ở trung ương và địa phương;

– Phương tiện do người nước ngoài tự lái: phương tiện sử dụng bởi người có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của nước Thứ ba cấp (hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu không phải của Việt Nam hoặc Campuchia);

– Phương tiện cá nhân;

– Phương tiện của các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/hợp tác xã đó và không tham gia vận chuyển người và/hoặc hàng hóa có thu tiền;

– Phương tiện cứu hỏa, phương tiện cứu thương, phương tiện cứu hộ, phương tiện thực hiện sứ mệnh nhân đạo”.

II. Đối tượng được cấp và hiệu lực của giấy phép vận tải đường bộ quốc tế và giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia

Đối tượng được cấp giấy phép

Theo Điều 5 và Điều 29 Nghị định 119/2021/NĐ-CP quy định thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép vận tải đường bộ qua biên giới thì đối tượng được cấp giấy phép để được phép di chuyển qua lại từ Việt Nam sang Campuchia gồm:

  • Đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện hoạt động vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế.
  • Phương tiện thực hiện hoạt động vận tải đường bộ giữa quốc tế Việt Nam và Campuchia được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép liên vận (cơ quan có thẩm quyền tùy trường hợp).

Hiệu lực của giấy phép liên vận

Trong trường hợp phương tiện được cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia là phương tiện thương mại thì phương tiện này được phép đi lại nhiều lần, mỗi lần không quá 30 ngày và có thời hạn 01 năm kể từ ngày cấp.

Trong trường hợp phương tiện được cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia là phương tiện phi thương mại (không bao gồm phương tiện cứu hỏa, phương tiện cứu thương, phương tiện cứu hộ, phương tiện thực hiện cứu trợ nhân đạo) thì phương tiện được phép đi lại một lần và có thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày cấp.

Thời hạn của Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia cấp cho phương tiện không được vượt quá niên hạn sử dụng của phương tiện.

III. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia

Theo Điều 29 Nghị định 119/2021/NĐ-CP thì đối tượng được cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia là đơn vị kinh doanh vận tải của Việt Nam.

Hồ sơ xin cấp giấy phép liên vận Việt Nam-Campuchia

Theo đó, thành phần hồ sơ gồm:

  • Giấy đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia theo Mẫu số 01 Phụ lục V của Nghị định này;
  • Phương án kinh doanh vận tải theo Mẫu số 02 Phụ lục V của Nghị định này.

Trình tự, thủ tục yêu cầu cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia:

Hình thức nộp hồ sơ

– Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo một trong các hình thức sau:

  • Nộp trực tiếp;
  • Nộp trực tuyến;
  • Nộp qua đường bưu chính.

– Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc qua đường bưu chính, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

– Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ;

Thời hạn giải quyết hồ sơ:

  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia theo Mẫu số 03 Phụ lục V của Nghị định này.
  • Trường hợp không cấp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do;

Trả kết quả

  • Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định.
  • Khi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Campuchia bị hư hỏng, bị mất, đơn vị kinh doanh vận tải lập hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.

IV. Hồ sơ, trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép liên vận Việt Nam-Campuchia

Căn cứ Điều 31 Nghị định 119/2021/NĐ-CP thì Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Campuchia được cấp cho phương tiện của các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia.

Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép đối với phương tiện thương mại

Thành phần hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép đối với phương tiện thương mại được liệt kê dưới đây:

  • Giấy đề nghị cấp, cấp lại giấy phép theo Mẫu số 04 Phụ lục V của Nghị định này;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký hoặc bản sao từ sổ gốc của Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải phải xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Bản sao văn bản thông báo khai thác tuyến, văn bản thay thế phương tiện hoặc văn bản bổ sung phương tiện của cơ quan quản lý tuyến và hợp đồng đón trả khách tại bến xe khách ở Việt Nam và bến xe khách hoặc nơi đón trả khách ở Campuchia (đối với phương tiện kinh doanh tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Campuchia).

Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép đối với phương tiện phi thương mại

Thành phần hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép đối với phương tiện phi thương mại gồm:

  • Giấy đề nghị cấp, cấp lại giấy phép theo Mẫu số 05 Phụ lục V của Nghị định này;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký hoặc bản sao từ sổ gốc của Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân phải xuất trình thêm bản sao hợp đồng thuê phương tiện;
  • Bản sao quyết định cử đi công tác của cơ quan có thẩm quyền đối với xe công vụ.
    Các phương tiện thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được quy định như sau:
  • Phương tiện thương mại;
  • Phương tiện phi thương mại của các cơ quan trung ương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan thuộc bộ, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, các tổ chức sự nghiệp ở trung ương.

Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn địa phương.

Sở Giao thông vận tải địa phương nơi có cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia cấp giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn các tỉnh khác của Việt Nam đi qua cửa khẩu tại địa phương mình quản lý.

Trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép liên vận Việt Nam-Campuchia:

Tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ;

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thực hiện cấp giấy phép theo Mẫu số 06 (đối với phương tiện thương mại) và Mẫu số 07 (đối với phương tiện phi thương mại) Phụ lục V của Nghị định này. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do;

Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc qua đường bưu chính hoặc hình thức trực tuyến theo quy định.

Khi Giấy phép liên vận giữa Việt Nam và Campuchia hết hạn, bị hư hỏng hoặc bị mất, tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải lập hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 7 Điều này.

V. Các giấy tờ cần có khi đi qua cửa khẩu của Việt Nam và Campuchia

Ngoài ra, khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu và lưu hành, phương tiện phải có các giấy tờ còn hiệu lực cùng bản dịch tiếng Anh hoặc bản dịch tiếng quốc gia của nước đến có chứng thực (trừ trường hợp giấy tờ được in song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Khơ-me hoặc tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng Khơ-me và tiếng Anh) để xuất trình các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và cơ quan chức năng khi được yêu cầu, cụ thể tại Điều 6 Thông tư 47/2019/TT-BGTVT như sau:

Đối với phương tiện thương mại vận tải hành khách

  • Giấy đăng ký phương tiện;
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
  • Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia;
  • Danh sách hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định được quy định tại Phụ lục 1a ban hành kèm theo Thông tư này; đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch được quy định tại Phụ lục 1b ban hành kèm theo Thông tư này). Riêng với vận tải hành khách theo tuyến cố định, danh sách hành khách phải có xác nhận của bến xe (đối với phía Campuchia nếu chưa có bến xe thì xác nhận của nơi đón trả khách). Danh sách hành khách không áp dụng đối với vận tải hành khách bằng xe taxi;
  • Hợp đồng vận tải hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng);
  • Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;
  • Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập – tái xuất hoặc tạm xuất – tái nhập.

Đối với phương tiện thương mại vận tải hàng hóa

  • Giấy đăng ký phương tiện;
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
  • Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia;
  • Phiếu gửi hàng;
  • Tờ khai hải quan đối với hàng hóa;
  • Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;
  • Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập – tái xuất hoặc tạm xuất – tái nhập.

Đối với phương tiện phi thương mại

  • Giấy đăng ký phương tiện;
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
  • Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia;
  • Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;
  • Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập – tái xuất hoặc tạm xuất – tái nhập.

Xem thêm >>> Các tin khác

—————

Ban truyền thông Luật Nguyễn

 

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on telegram
Share on pinterest
Share on skype

Bạn có thể quan tâm

Scroll to Top