Để có được đơn xin nhập cảnh vào Việt Nam, bạn phải điền vào mẫu Công văn nhập cảnh hay còn gọi là Thư mời nhập cảnh (Vietnam entry approval letter hay Vietnam entry permit).
Đây là công văn cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo Thông tư 04/2015/TT-BCA. Dưới đây là một số thông tin cơ bản mà bạn cần nắm
Hướng dẫn làm đơn xin nhập cảnh vào Việt Nam (NA2)
Trước tiên, bạn cần tìm hiểu
Công văn nhập cảnh Việt Nam là gì?
Công văn nhập cảnh Việt Nam là văn bản chấp thuận của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với các mục đích khác nhau như du lịch, thương mại, đầu tư, lao động, thăm thân nhân tại Việt Nam
Công văn nhập cảnh có tên tiếng Anh là Vietnam entry approval letter hay Vietnam entry permit. Hay còn có tên gọi Thư mời nhập cảnh cho người nước ngoài hay công văn bảo lãnh nhập cảnh.
Chú ý:
Công văn nhập cảnh không phải là visa. Để có được visa nhập cảnh Việt Nam, người nước ngoài sẽ phải mang công văn này (bản photo) đến cơ quan đại diện của Việt Nam (Đại sứ quán/ Lãnh sự quán) hoặc đến cửa khẩu để nhận visa.
Có mấy loại Công văn nhập cảnh?
- Công văn nhập cảnh theo diện thương mại, làm việc
- Công văn nhập cảnh theo diện thăm thân
- Công văn nhập cảnh theo diện du lịch
Các trường hợp nào không phải xin công văn nhập cảnh?
Người nước ngoài chỉ cần có một trong những giấy tờ sau thì không phải xin công văn nhập cảnh:
- Thẻ tạm trú còn thời hạn
- Thẻ thường trú còn thời hạn
- Visa loại nhiều lần còn thời hạn
- Visa điện tử Việt Nam
- Giấy miễn thị thực 5 năm còn thời hạn
- Nhập cảnh theo diện miễn thị thực ( Miễn thị thực đơn phương hoặc song phương như các nước Hàn, Nhật, Đông Nam Á).
- Nhập cảnh bằng thẻ APEC
Điều kiện làm Công văn nhập cảnh cho người nước ngoài
Người nước ngoài không thể tự làm công văn này mà họ cần có một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào đó ở Việt Nam bảo lãnh.
- Tổ chức có thể là: công ty, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty Nhà nước, công ty 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài… Tất cả đều phải được thành lập và đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Cá nhân bảo lãnh phải là người thân: cha, mẹ, vợ, chồng, con. Người bảo lãnh phải có đủ tư cách, trách nhiệm dân sự.
- Không thuộc các trường hợp cấm nhập cảnh vào Việt Nam.
Hướng dẫn làm đơn xin nhập cảnh vào Việt Nam (NA2)
Công văn nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam được sử dụng theo mẫu NA2 ( Ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA)
Tải và điền mẫu NA2 như thế nào?
Bạn có thể xem trước mẫu NA2 tại đây.
Đây là mẫu dưới dạng file word, do vậy mà không có mã vạch của Cục xuất nhập cảnh. Để có một bản NA2 có mã vạch, bạn cần phải thực hiện khai NA2 online. Mẫu này được soạn thảo trực tiếp trên trang web trực tuyến của Cục xuất nhập cảnh
Cách đăng ký Mẫu NA2 online
Đăng nhập vào link đăng ký Mẫu NA2 dành cho cơ quan, tổ chức và không cần phải đăng ký tài khoản của Cục xuất nhập cảnh
Điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Bước này có 3 phần:
Thông tin của đơn vị bảo lãnh:
- Bạn điền đầy đủ thông tin của cơ quan, tổ chức bão lãnh, các mục có dấu ” * ” là bắt buộc phải ghi
Thông tin Công văn
Thông tin của Công văn bao gồm có các mục ví dụ như:
- Số công văn: điền số bất kỳ
- Ngày công văn: là ngày bạn khai đơn NA2 này
- Chương trình hoạt động: Ghi tên tỉnh thành nơi người nước ngoài sẽ làm việc.
- Dự kiến tạm trú: ghi nơi ở của người nước ngoài sau khi họ nhập cảnh.
- Đơn vị đón tiếp, quản lý: chính là công ty bảo lãnh. (có ở thông tin phía trên)
- Lý do nhận thị thực tại của khẩu: Nếu có nhu cầu nhận visa tại sân bay, thì ghi phần này. Nếu không thì bỏ trống.
Thông tin khách được bảo lãnh
Ở phần thông tin này, bạn bấm chọn vào tab có chữ ” Thêm khách “, rồi điền đầy đủ thông tin khách được bảo lãnh với các mục như:
- Họ tên
- Giới tính
- Ngày sinh
- Quốc tịch
- Số hộ chiếu,
- Loại hộ chiếu: Bạn chọn theo loại hộ chiếu đã có trong danh mục
- Nghề nghiệp
- Giá trị thị thực: 1 lần hay nhiều lần
- Nơi nhận thị thực: bạn chọn theo danh mục có sẵn của trang đăng ký
- Đề nghị từ ngày …. đến ngày …
- Mục đích nhập cảnh: Bạn chọn trong danh mục đã có của trang đăng ký này
Sau khi khai xong các thông tin trên, bạn click in công văn NA2. Công văn sẽ tự động được tải về máy tính dưới dạng file PDF. Bạn có thể in ra và ký đóng dấu xác nhận của công ty bảo lãnh bình thường.
Tra cứu tình trang hồ sơ đã đăng ký
Để tra cứu hồ sơ, bạn click vào link: Tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ bảo lãnh nhập cảnh. Sau đó điền vào thông tin tra cứu:
- Mã số công văn/ đơn: Là dãy số bên dưới mã vạch có trên mẫu NA2
- Số điện thoại: Là số điện thoại bạn đã khai trong phần khai thông tin công ty.
- Nhập Mã xác nhận
Bạn sẽ thấy ngay được tình trạng hồ sơ của bạn đang xử lý hay đã có kết quả.
Thường thì thời gian giải quyết hồ sơ nhập cảnh là 3 ngày làm việc. Như vậy bạn có thể thực hiện việc tra cứu thông tin sau ngày bạn nộp là 3 ngày để biết hồ sơ của mình đã có kết quả hay chưa.
Chỉnh sửa mẫu NA2 có mã vạch
Nếu mẫu A2 bạn đã đăng ký cần phải chỉnh sửa thì bạn thực hiện chỉnh sửa online trên trang web của Cục xuất nhập cảnh. Bạn bấm vào link sau để đi tới trang sửa NA2
Điền vào các thông tin giống như phần tra cứu tình trang hồ sơ đã đăng ký để tiến hành chỉnh sửa.
Thủ tục làm công văn nhập cảnh Việt Nam (NA2)
Công văn nhập cảnh theo diện thương mại, làm việc
Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài tổ chức phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh kèm theo hồ sơ, bao gồm:
- Bản sao chứng thực giấy phép kinh doanh;
- Mẫu đơn xin nhập cảnh Việt Nam (NA2) có mã vạch
- Bản sao Hộ chiếu của người nước ngoài
- Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức theo form Mẫu NA16
- Giấy giới thiệu người đi nộp hồ sơ
Công văn nhập cảnh theo diện thăm thân
Trường hợp người nước ngoài có vợ(chồng), con là người Việt Nam bảo lãnh thì cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Mẫu đơn bảo lãnh nhập cảnh cho người thân (Mẫu NA3 có chữ ký xác nhận của Công an nơi thường trú/tạm trú)
- Bản sao công chứng CCCD/CMND/Hộ chiếu của người bảo lãnh:
- Bản chụp mặt hộ chiếu của người nước ngoài nhập cảnh.
- Giấy xác nhận quan hệ thân nhân là: Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, xác nhận quan hệ gia đình… Nếu là tiếng nước ngoài phải dịch thuật công chứng tiếng Việt
Nơi nộp hồ sơ: Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam
Thời gian xử lý hồ sơ: trong 5 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ
Xem thêm >>> Thủ tục nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam năm 2022
—————
Ban truyền thông Luật Nguyễn